Thứ hai, 20/05/2024 | 01:33
RSS

Sáng 5/3, Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới

Thứ ba, 05/03/2024, 10:50 (GMT+7)

IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới - PV) xếp thủ đô Hà Nội ô nhiễm không khí đứng thứ đầu thế giới với chỉ số AQI trung bình 241 đơn vị.

Sự kiện:
Hà Nội

Sáng 5/3, Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới

Hà Nội chìm trong sương mù dày đặc vào sáng 5/3. Ảnh: Báo Tiền phong

Sáng nay 5/3, Hà Nội chìm trong sương mù dày đặc, tầm nhìn giảm đáng kể. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, trong ngày hôm nay, hiện tượng này tiếp tục xảy ra ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.

Theo kết quả số liệu quan trắc của hệ thống AirVisual (sản phẩm của tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp về không khí, có trụ sở chính đặt tại Thụy Sỹ), sáng 5/3, thủ đô Hà Nội ô nhiễm không khí đứng thứ đầu thế giới (với chỉ số AQI trung bình 241 đơn vị).

Hà Nội cũng là thành phố duy nhất ô nhiễm lên tới ngưỡng tím trong danh sách hơn 100 thành phố được Airv Visual theo dõi. Theo đánh giá của IQAir, bụi mịn (PM2.5) tại Hà Nội hiện cao gấp 38,2 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Sáng 5/3, Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới

AirVisual ghi nhận Hà Nội ô nhiễm không khí đứng đầu thế giới vào lúc 7h18p sáng nay 5/3

Còn theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí tại nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam), lúc 7 giờ cùng ngày, chỉ số AQI ở nhiều điểm tại Hà Nội dao động chủ yếu ở mức trên 200 đơn vị, mức rất xấu, cảnh báo ảnh hưởng sức khỏe tới tất cả mọi người.

Trong đó, nơi có chất lượng không khí kém nhất là khu vực Học viện Nông nghiệp Việt Nam (huyện Gia Lâm) với chỉ số AQI 404 đơn vị, mức nguy hại, cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe, tất cả mọi người bị ảnh hưởng về sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, các ứng dụng quan trắc chất lượng không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ghi nhận ô nhiễm phổ biến ở Hà Nội và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Bắc Ninh, Hưng Yên.

Hầu hết các điểm ô nhiễm ở ngưỡng đỏ và tím, trong đó điểm đo tại UBND xã Xuân Lâm (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) ghi nhận ô nhiễm không khí ở ngưỡng nguy hại (mức nguy hiểm nhất do ô nhiễm không khí gây ra) vào sáng nay với chỉ số AQI lên tới 347. Đây là điểm đo gần với Khu công nghiệp Hà Mãn – Trí Quả.

Bộ Y tế khuyến cáo, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu trong những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

Bên cạnh đó, cần vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Vào buổi tối trước khi đi ngủ tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý.

Nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút với những người hút thuốc lá. Nên tránh xa khói thuốc lá với người không hút thuốc lá. Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, nhất là với các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.

Thường xuyên dọn dẹp thông thoáng môi trường sống, vệ sinh phòng ở và nhà cửa. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Bộ Y tế khuyên những người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu nên thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra, vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng cần hạn chế tối đa đi ra ngoài.

Theo IQAir, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới, Air Quality Index – AQI là chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày, sử dụng tương tự như thước đo để đánh giá không khí xung quanh sạch sẽ hay ô nhiễm, ô nhiễm mức độ cao hay thấp.

Các chất ô nhiễm không khí được đo bằng AQI gồm: Bụi mịn PM2.5; PM10; Carbon monoxide; Lưu huỳnh dioxide; nito đioxit và Tầng ôzôn.

Chỉ số chất lượng không khí dao động từ 0 đến 500, chất lượng không khí có thể vượt quá 500 khi có mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm cao hơn.

Chất lượng không khí tốt dao động từ 0 đến 50, trên 300 được coi là nguy hiểm.

AQI sử dụng các phép đo bụi mịn PM 2.5 (hạt bụi kích thước 2.5 micromet) làm tiêu chuẩn đo lường. Loại hạt bụi này xuất hiện rộng rãi và được coi là chất gây ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại